Một số bác sĩ gọi cao huyết áp là “sát thủ giấu mặt” bởi vì nó dần gây tổn thương lên tim, mạch, thận và các cơ quan khác mà không có, hoặc có rất ít triệu chứng báo hiệu. Thực tế là chỉ có phân nửa số người bị cao huyết áp nhận biết về nó rõ ràng và đầy đủ.

Chỉ thỉnh thoảng những đợt cao huyết áp bất thường mới làm cho người bệnh bị nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt. Đối với người bị cao huyết áp, bác sĩ tìm kiếm những dấu hiệu của các cơ quan bị tổn thương - như thăm dò xem trong đáy mắt có các mạch máu bị co xẹp hay bị dày lên không, trong mắt có hiện tượng xuất huyết nhẹ hay không; nghe nhịp tim để dò tìm những biểu hiện bất thường; kiểm tra sự lưu chuyển dòng máu trong các động mạch và khám bụng để tìm các dấu hiệu cho thấy thận bị lớn.

Những khu vực nguy hiểm ở người mắc bệnh cao huyết áp:

Mắt: Cao huyết áp không gây tổn hại nghiêm trọng cho tầm nhìn, cho đến khi nó quá cao. Tuy nhiên, những bất thường nơi các mạch máu nhỏ trong võng mạc có thể thấy được rất rõ, ngay cả khi huyết áp mới chỉ lên chút đỉnh. Đó là chỉ báo cho thấy huyết áp đã có lúc tăng cao.


Tim: Cao huyết áp gây ra sức ép rất lớn lên tim. Điều này chỉ là cục bộ vì lượng máu về tim bị giảm và cũng bởi vì nó khiến tim phải làm việc nặng nề hơn để bơm máu đi khắp cơ thể.

Thời gian trôi qua, tim sẽ dần bị lớn và yếu đi, các chức năng bị suy giảm.

Thận: Cao huyết áp làm tổn thương các mô và các tiểu động mạch trong thận, khiến nó hoạt động kém hiệu quả.

Mạch máu: Cao huyết áp không được điều trị sẽ làm cho các mạch máu bị hẹp và chai cứng dần, dẫn đến chứng xơ vữa động mạch - là tình trạng dày lên của các mạch máu, vốn có liên quan đến các bệnh tim mạch. Cao huyết áp kéo dài không được điều trị sẽ gây ra nhiều tổn thương cho các cơ quan khác nhau.

Việc điều trị kịp thời làm giảm được các nguy cơ phát triển các chứng bệnh nguy hiểm.