Cơn thoáng thiếu máu não là một dạng đột quỵ nhẹ, khi cục máu đông chỉ làm tắc động mạch tạm thời và triệu chứng phục hồi hoàn toàn không quá 24 giờ. Nguyên nhân gây cơn thoáng thiếu máu não gần giống như đột quỵ, bao gồm tắc hẹp mạch máu do xơ vữa động mạch hoặc do cục máu đông.
Cơn thoáng thiếu máu não là bệnh gì?
Cơn thoáng thiếu máu não (Transient ischemic attack -TIA) là một dạng của thiếu máu não kéo dài không quá 24 giờ, thường thì chỉ trong vài phút. Bệnh còn được biết như là một dạng đột quỵ nhẹ xảy ra khi một phần não bộ không được tưới đủ máu. Bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ khi trước đó có cơn thoáng thiếu máu não.
Triệu chứng của cơn thoáng thiếu máu não là gì?
Triệu chứng thường gặp nhất là bạn cảm thấy yếu bất cứ phần nào trên cơ thể. Những triệu chứng khác bao gồm lú lẫn, chóng mặt, nhìn đôi (nhìn một vật thành hai vật), mất trí nhớ, tê, khó nuốt và khó nói, dị cảm, thay đổi thị giác và khó đi lại. Trong 70% trường hợp, triệu chứng biến mất trong vòng 10 phút và 90% trường hợp triệu chứng hết sau 4 giờ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của cơn thoáng thiếu máu não. Chữa trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ trong tương lai.
Nguyên nhân nào gây ra cơn thoáng thiếu máu não là gì?
Nguyên nhân của cơn thoáng thiếu máu não có thể là do kẹt cục máu đông tại chỗ trong động mạch và ngăn cản dòng chảy của máu. Đa phần, cơ thể có cơ chế làm tan cục máu đông để phục hồi lưu thông tuần hoàn, làm cho triệu chứng biến mất. Cơn thoáng thiếu máu não cũng xảy ra khi cục máu đông từ tim hay động mạch cảnh chạy lên làm bít tắc dòng máu, ngăn máu đến cung cấp cho nhu mô não, làm cho não bị thiếu oxy.
Những ai thường mắc phải cơn thoáng thiếu máu não?
Bệnh thường xảy ra ở người hơn 60 tuổi. Chủng tộc châu Á, Phi và người Caribbe có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn. Nguyên nhân là do nhóm dân số này dường như dễ bị tắt mạch máu não và dễ tăng huyết áp hơn.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị cơn thoáng thiếu máu não?
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị cơn thoáng thiếu máu não, bao gồm:
- Tiền sử bệnh lý gia đình: bạn có nguy cơ bị cơn thoáng thiếu máu não cao hơn khi một trong các thành viên trong nhà bị bệnh này
- Tuổi: tuổi càng cao càng tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt sau 55 tuổi
- Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ, tuy nhiên hơn một nửa số người tử vong là phụ nữ
- Bị cơn thoáng thiếu máu não lúc trẻ: bạn có nguy cơ cao gấp 10 lần bình thường.
- Bệnh hồng cầu liềm: còn gọi là thiếu máu hồng cầu liềm, đột quỵ là biến chứng thường gặp của bệnh di truyền này. Tế bào máu hình liềm mang ít oxy hơn và có khuynh hướng dễ bị mắc kẹt trong động mạch, ngăn máu đến não.
- Chủng tộc: người da đen có nguy cơ tử vong cao hơn khi bị cơn thoáng thiếu máu não do liên quan đến tăng huyết áp và đái tháo đường
Tuy nhiên, có vài yếu tố nguy cơ bạn có thể kiểm soát được:
- Tăng huyết áp
- Tăng cholesterol máu
- Bệnh tim mạch và bệnh động mạch ngoại biên, đái tháo đường
- Quá cân
- Tăng homocysteine
Cơn thoáng thiếu máu não được chẩn đoán như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên tiền sử y khoa và khám lâm sàng. Chụp CT hoặc MRI sọ não để tìm bất thường trong não. Những xét nghiệm khác bao gồm vẽ biểu đồ lòng động mạch cảnh bị tắt hẹp và điện tâm đồ để tìm dấu hiệu của rung nhĩ tạo cục máu đông có thể chạy lên não.
Cơn thoáng thiếu máu não được điều trị như thế nào?
Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên tốt nhất để ngăn ngừa đột quỵ.
Những bệnh như đái tháo đường, tăng huyết áp và lối sống thụ động có thể điều trị được. Bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc aspirin, clopidogel và warfarin để làm giảm hoặc ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Bạn có thể cần làm thủ thuật hoặc phẫu thuật để nong động mạch bị hẹp hay lấy cục máu đông.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn phòng ngừa cơn thoáng thiếu máu não?
Thực hiện những biện pháp thay đổi lối sống và sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn phòng ngừa cơn thoáng thiếu máu não:
- Chú ý đến những dấu hiệu và triệu chứng khi bạn bị cơn thoáng thiếu máu não. Bạn đang làm gì khi điều đó xảy ra? Bạn từng có những triệu chứng trước đó không? Chúng kéo dài bao lâu? Xảy ra khi nào? Đây là những thông tin quan trọng có thể giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra cơn thoáng thiếu máu não và bệnh lý mạch máu.
- Chỉ uống những loại thuốc kê toa cùng một bác sĩ. Có những loại thuốc nhất định bạn dùng cần kiểm tra xét nghiệm máu thường xuyên.
- Nói với bác sĩ những bệnh bạn đang mắc phải như đái tháo đường, cao huyết áp, tăng cholesterol máu.
- Nhớ theo dõi tái khám theo hẹn.
Báo bác sĩ nếu bạn bị một cơn thoáng thiếu máu não khác sau khi dùng thuốc, đau đầu bất thường hoặc bị tác dụng phụ của thuốc.
Khi có một cơn thoáng thiếu máu xảy ra thì có nghĩa là hệ mạch máu não của bạn có vấn đề và có thể dễ dàng bị đột quỵ thực sự trong tương lai. Do đó, dù cơn thoáng thiếu máu não hồi phục hoàn toàn thì bạn cũng không nên chủ quan xem thường sức khỏe mà hãy đi khám bác sĩ ngay để được tư vấn điều trị phòng ngừa đột quỵ cho mai sau.